Bài viết
Các loại rượu khác
Chủ Nhật, 03-03-2013
Ngâm rượu vì... bạn
Giới nghệ sỹ biết đến Nguyễn Xuân Lân bởi ông sở hữu những bình rượu thảo dược, hoa quả quý và hiếm. Còn khi kể về mình, họa sỹ Xuân Lân thường tự nhận mình là một công chức mẫn cán. Thú sưu tập rượu của ông Lân bắt đầu từ năm 1994. Mục đích đầu tiên của việc sưu tầm rượu là để cho bạn bè vui mỗi lần họ đến nhà chơi, thưởng tranh. Rồi hầm rượu của ông Lân lên tới cả trăm bình, nhiều cái chum to lúc nào không hay. Nó đa dạng chủng loại từ động vật quý hiếm đến thảo dược cây cỏ, hoa quả. Đặc biệt, thảo dược là một loại "thuốc" độc, quý với các bình rượu của ông Lân.
Bộ sưu tập rượu thảo dược, hoa quả của họa sỹ Nguyễn Xuân Lân.
Các bình rượu của ông phần lớn bằng thủy tinh, một số chum lớn bằng sành. Kích cỡ bình lớn, nhỏ tùy theo từng chủng loại khi ngâm, từ những bình nhỏ 1,5 lít - 5 lít anh dùng để ngâm mật rắn hổ mang, ngẩu pín và "hạt kê" chó đen, bào ngư, hải sâm... Một số bình lớn, 20-30 lít, ông ngâm quất hồng bì, sen, chanh, đào.. "Khủng" hơn là một loạt những chum vại lớn từ 60 lít - 70 lít để ngâm hoa cúc...Trên mỗi bình rượu, ông đều ghi tên loại cùng ngày mình bắt tay vào ngâm. Như vậy tính ra người đàn ông này đang sở hữu khoảng hơn 300 lít rượu quý các loại, một con số khiến dân "bợm" rượu phải sửng sốt.
Ông Lân tâm sư: "Tôi không phải là người nghiện rượu. Với tôi, sở thích ngâm rượu là để tiếp đãi bạn bè." Chỉ tay vào bình rượu khoảng 10 lít, ngâm ngẩu pín và "hạt kê" chó đen, ông Lâm quả quyết, đó là quà của một người bạn. Để có được những thứ "hiếm có khó tìm" như "hạt kê" chó đen người bạn đó đã phải kỳ công đặt những người chuyên nghề mổ chó tận Vĩnh Phúc. Số lượng bình rượu của ông không phải lúc nào cũng tăng lên mà đôi khi còn giảm bớt vì ông cũng chia sẻ nó cho bạn bè, người thân, có khi còn "tài trợ" rượu cho cả một đám cưới.
Hồi ức về một thú chơi kỳ công
Dắt tôi đi tham quan ở tầng 1 là nơi trưng bày các bình rượu được ngâm từ các loại trái cây, thảo dược như: Mơ, chanh đào, quất hồng bì... đến những loại thảo được độc đáo là bìu gỗ nghiến làm tôi bất ngờ. Thảo dược bìu gỗ nghiến tôi chưa nghe bao giờ. Ông Lân giải thích, nó giúp người dùng giảm được bệnh đau lưng kinh niên. Lên đến tầng 2, tôi nhìn thấy ve sầu, kiến vàng, trứng ba ba, đám gõ kiến, bào ngư, hải sâm, cá ngựa. Ve sầu, kiến vàng, trứng ba ba quả là những loại "thần dược" độc, hiếm mà tôi chưa từng được biết. Ông Lân phân trần: Nó là "thuốc tăng lực" sinh lý của đàn ông, phụ nữ biết để làm chi.
Chỉ riêng dòng rượu rắn hổ mang quý hiếm, ông Lân có tới 3 bình: Một bình 7 con, 1 bình 3 con và đặc biệt là bình rượu 30 lít dùng để ngâm 1 con rắn hổ mang chúa nặng tới 9,8 kg. Theo ông Lân, thì nó là loại rắn quý hiếm ở rừng Bắc Cạn. Cuộc vận chuyển nó từ Bắc Cạn về Hà Nội cũng là một câu chuyện thú vị. Sợ bị "dân" môi trường bắt, thu giữ, ông Lân đã phải xin rất nhiều giấy tờ với lý do, người nhà mắc bệnh, cần thịt rắn để chữa, nếu không sẽ tử vong. Bình rượu 5 con bìm bịp, ngẩu pín và chân linh dương núi của ông Lân làm tôi choáng. “Khoe” đến đây, ông Lân bảo bây giờ có các vàng ông cũng không “chơi” loại động vật hoang dã quý hiếm này...
Ông Lân cho hay, bí quyết giữ cho rượu ngâm được lâu và ngày càng thêm nồng qua thời gian thì phải kỳ công từ khâu chọn rượu. Trước đây để có được loại rượu trắng dùng để ngâm, ông lặn lội về tận làng Trúc Sơn (Chương Mỹ - Hà Tây (cũ) đặt. Đó là loại rượu nếp cái hoa vàng.
Thứ nước dùng để nấu rượu là nước suối nguồn kết hợp với khí hậu mát mẻ trong lành của vùng sơn cước khiến công đoạn ủ và nấu rượu cho ra được thành phẩm rượu với chất lượng hơn hẳn thứ rượu "chợ". Chọn rượu để ngâm cũng phải có nguyên tắc riêng. Nếu nguyên liệu là động vật thì nên ngâm rượu 45 - 50 độ còn khi ngâm các loại cây cỏ thảo dược thì sẽ dùng loại rượu nhẹ hơn từ 29 - 30 độ. Thú chơi này khá tốn kém, đặc biệt khi ngâm động vật thì phải cần một lượng rượu tráng trước khi ngâm khá lớn. Sau khi sơ chế bằng nước sạch sẽ được ngâm với rượu trắng trong vòng 1 tuần cho ra hết chất tanh, chất mỡ, sau đó đổ thứ rượu ngâm lần đầu đó đi và thay bằng rượu mới thì chất lượng rượu ngâm mới chuẩn được.
"Thử nghiệm" rượu là thuốc và ngược lại
Trước khi bắt tay vào thực hiện bộ sưu tập rượu, ông Lân đã từng tham khảo khá nhiều sách báo, đặc biệt từ những người bạn là thầy thuốc đông y để kết hợp giữa phương thuốc cổ truyền với rượu để chữa bách bệnh. Từ loại rượu cao hổ cốt, cao ngựa bạch có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ cơ xương khớp đến bình rượu 1,5 lít ngâm mật rắn hổ mang có công dụng sát trùng, minh mục khứ ế (làm sáng mắt và chữa mắt có màng), trừ cam, tiêu thũng chỉ thống (chống phù nề và giảm đau)... đã làm ông thêm có hiếu với mẹ. Ông ngâm những bình rượu thuốc trên để tặng mẹ. Mẹ ông hiện 92 tuổi. Đối với những loại rượu thảo dược, cây cỏ thiên nhiên như bìu cây gỗ nghiến, rượu sen mà anh tốn khá nhiều thời gian ngồi bóc gỡ từng cánh hoa sao cho có được thành phẩm là những nhụy sen non vàng óng tinh khôi để cho phụ nữ dùng, làm đẹp da, thông khí huyết.
Loại sen ông Lân dùng ngâm rượu là thứ sen Hồ Tây (Hà Nội) chính hiệu, mỗi bình rượu sen 20 lít với 150 bông sen. Phải lựa sen khi đất trời còn tờ mờ vì khi mặt trời lên hương hoa cũng bay bớt đi phần nào nên bình rượu sen ngâm cũng khó đạt tới độ hoàn hảo...
Góc nhà ông Lân là một chiếc chum lớn chứa tới 70 lít rượu ngâm hoa cúc. Hỏi ra, tôi mới biết, để có hoa cúc ngâm với rượu, ông Lân phải cất công đi mua ở tận Hưng Yên - cái làng chuyên trồng hoa cúc để làm thuốc bắc ấy, chứ không phải hoa cúc để chơi, để thưởng thức cái đẹp như bình thường. Thành phẩm rượu hoa cúc của ông được đánh giá là vừa thanh vừa nhẹ xen chút vị ngọt đằm rất quyến rũ. Ông Lân cho biết: "Chỉ cần một ly rượu sen hay rượu hoa cúc mỗi tối là rất tốt cho giấc ngủ của những người mắc chứng mất ngủ". Bình rượu chanh đào có công dụng chữa ho hay rượu gấc thì để chữa mắt... Tất cả các bình rượu của ông Lân đều được ông hạ thổ ít nhất 1 năm thì mới mang lên dùng.
Trải lòng mình trong men rượu lâng lâng, ông Lân tâm sự: Hiện nay, tôi không săn lùng những loài động vật hoang dã để ngâm nữa mà thiên về các loại thảo dược cây quả quý hiếm trên vùng sơn cước. Anh tâm sự: "Những bình rượu với "cốt" quý ấy, tôi ngâm cách đây gần chục năm rồi và cũng cho ra thành phẩm như ý. Ngày ấy, chủ trương bảo tồn động vật quý hiếm liệt vào sách đỏ chưa ráo riết như bây giờ nên mình vẫn may mắn sở hữu được. Còn bây giờ, vẫn mê rượu ngâm nhưng tôi có dám đầu tư làm bình rượu động vật mới nào đâu. Mình cũng nên có ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã".
Tin cùng loại
- Chabot (16/04/2023)
- Tequila jose Cuervo Especial (28/07/2013)
- Rượu mini Galliano (11/07/2013)
- Rượu Martini Bianco Vermouth (09/07/2013)
- Cách thưởng thức rượu Gin (04/07/2013)
- Rượu thơm (Liqueur) (25/06/2013)
- Rượu Kim Long - Quảng Trị (27/05/2013)